Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên - 50 năm xây dựng và phát triển
Sự ra đời Viện An dưỡng, tiền thân của bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên ngày nay
Năm 1965, cả nước đang tập trung sức người sức của để đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Cũng trong giai đoạn này, thực hiện Nghị quyết số 111/NQ-TW ngày 10/4/1965 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 103/NQ-TVQH, ngày 21/4/1965 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; từ ngày 01/7/1965 tỉnh Thái Nguyên hợp nhất với tỉnh Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái. Trên địa bàn Thái Nguyên có thành phố Thái nguyên vừa là tỉnh lỵ Bắc Thái, vừa là Thủ phủ - Trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của Khu tự trị Việt Bắc; là đầu mối, hợp điểm của nhiều tuyến giao thông có ý nghĩa chiến lược quan trọng không chỉ với vùng Việt Bắc mà còn đối với cả nước. Địa bàn Thái Nguyên còn là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc và tập trung huấn luyện Chiến sĩ mới để chi viện cho các chiến trường, là nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp, kho tàng của cả trung ương, địa phương và quân đội.
Từ đặc điểm trên, trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ Nhất, Đế quốc Mỹ tập trung đánh phá địa bàn Thái Nguyên rất ác liệt. Trong năm 1966, máy bay Mỹ đã ném 1.296 quả bom phá, 84 quả bom bi mẹ (khoảng 35.300 quả bom bi con) và bắn 210 tên lửa xuống địa bàn Thái Nguyên, làm 203 người chết, 396 người bị thương. Trong bom đạn ác liệt, quân và dân Thái Nguyên đã kiên cường anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần bắn rơi 38 máy bay Mỹ, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên giặc lái Mỹ.
Trong hoàn cảnh ấy, Bắc Thái vừa đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, vừa tích cực làm công tác phòng không nhân dân, sẵn sàng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ. Tỉnh Bắc Thái giai đoạn này chỉ có Bệnh viện Liên khu Việt Bắc, trực thuộc khu Y tế Liên khu Việt Bắc (tiền thân của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên ngày nay), Bệnh viện B Bắc Thái (nay là Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn). Đến năm 1965, Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc mới có Quyết định phân tán Bệnh viện Khu, giao cho Ty Y tế Bắc Thái xây dựng Bệnh viện Tỉnh (nay là Bệnh viện A Thái Nguyên) và một số Bệnh viện huyện làm nhiệm vụ điều trị, cấp cứu cho nhân dân; khám chữa bệnh nội, ngoại trú cho cán bộ và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh. Do đặc điểm là Thủ phủ Việt Bắc là nơi tập trung nhiều cơ quan của các Bộ, ngành Trung ương và Khu tự trị lúc bấy giờ, ngoài các bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho mọi tầng lớp nhân dân, đặt ra yêu cầu cần phải có một đơn vị y tế chuyên làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ. Vì vậy, ngày 07/11/1966, Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Thái đã ban hành Quyết định số 1287/VX-UB thành lập Viện An dưỡng thuộc Ty Y tế Bắc Thái. Địa điểm xây dựng Viện tại xã Quảng Khê, huyện Chợ Rã, tỉnh Bắc Thái (nay là xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn).
Giai đoạn (1966-1973)
Theo Quyết định số 1287/VX-UB ngày 07/11/1966 của Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Thái, Viện An dưỡng có qui mô 20 giường, do Ty Y tế tỉnh Bắc Thái quản lý. Viện có nhiệm vụ an dưỡng và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ thuộc diện Trung ương và Tỉnh quản lý. Về tổ chức bộ máy có một bác sĩ Viện trưởng phụ trách, 1 y sĩ, 1 kế toán và 2 nhân viên phục vụ. Bác sĩ Nguyễn Bá Phú, được giao nhiệm vụ phụ trách Viện An dưỡng.
Thực hiện Quyết định Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Thái, Viện đã phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất. Sau gần 1 tháng xây dựng, 6 dãy nhà lợp bằng cỏ tranh vách đất đã hoàn thành. Viện nhanh chóng tiếp nhận các trang thiết bị y tế, giường, chăn chiếu phục vụ người bệnh và tiếp nhận cán bộ vào Viện An dưỡng chăm sóc. Trên cơ sở biên chế và nhiệm vụ được giao, Bác sĩ phụ trách Viện đã tìm chọn những người nấu ăn giỏi ở khu vực vào làm nhiệm vụ nấu ăn. Cả Viện lúc này chỉ có 5 người, vừa khám chữa bệnh vừa phục vụ ăn uống cho các bệnh nhân, khối lượng công việc nhiều, nhưng các y, bác sĩ và cán bộ vẫn luôn nhiệt tình, khắc phục khó khăn chăm lo tốt nhất cho sức khỏe người bệnh.
Ngày 30 tháng 12 năm 1968, Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Thái có Quyết định số 1163/TCCQ đổi tên Viện An dưỡng thành Bệnh viện Điều dưỡng Bắc Thái, nhằm từng bước mở rộng đối tượng chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Bá Phú, phụ trách Viện An Dưỡng được bổ nhiệm làm Bệnh viện Phó phụ trách.
Sau hai năm đi vào hoạt động, hạ tầng cơ sở của Bệnh viện lúc này đã xuống cấp, những ngôi nhà lợp tranh vách đất đã không còn đảm bảo cho việc điều trị, an dưỡng. Tháng 9 năm 1969, theo đề nghị của Ty Y tế, Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Thái, đồng ý chuyển Bệnh viện Điều dưỡng về khu Đồi Thông (trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh Bắc Kạn cũ) và giao cho Bệnh viện quản lý sử dụng hai dãy nhà xây cấp 4 mái ngói, một dãy nhà làm khu hành chính hậu cần và một dãy nhà để hoạt động chuyên môn. Địa điểm mới rộng rãi và khang trang hơn, đội ngũ cán bộ và y, bác sĩ rất phấn khởi cùng nhau lao động tổng vệ sinh khu nhà cho sạch đẹp để chuyển bệnh nhân sang tiếp tục điều dưỡng.
Năm 1971, Huyện đội Bạch Thông chuyển về tiếp quản khu Đồi Thông, Bệnh viện Điều dưỡng phải trả lại địa điểm này cho Huyện đội. Ủy ban Hành chính Tỉnh tạm thời chuyển Bệnh viện về làm việc trong một khu nhà 2 tầng của Bệnh viện B Bắc Thái. Một lần nữa, tập thể cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện lại thu dọn trang thiết bị, tư trang chuyển sang địa điểm mới. Tại địa điểm mới này, từ năm 1971 đến đầu năm 1973 Bệnh viện không có sự biến động về con người cũng như tổ chức bộ máy cán bộ lãnh đạo. Tuy còn rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng các cán bộ công nhân viên của Bệnh viện với tâm huyết và trách nhiệm, chưa bao giờ xa rời mục tiêu chăm sóc, điều dưỡng tốt nhất cho các bệnh nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Giai đoạn 1973-1993
Hiệp định Pari được ký kết và có hiệu lực (ngày 27/01/1973), Đế quốc Mỹ phải rút về nước. Quân và dân Bắc Thái tập trung khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban Hành chính Tỉnh Bắc Thái quyết định chuyển Bệnh viện Điều dưỡng về Thái Nguyên. Đồng thời, giao cho Bệnh viện tiếp nhận khu Vườn ươm của Ty Lâm nghiệp (cũ) thuộc xóm Ao Sen xã Thịnh Đán huyện Đồng Hỷ (nay là tổ 13 - phường Thịnh Đán - thành phố Thái Nguyên) cải tạo, sửa chữa làm trụ sở Bệnh viện. Về tổ chức cán bộ cũng có sự biến động; Bác sĩ Nguyễn Bá Phú - Bệnh viện phó phụ trách và một số cán bộ chuyển sang làm việc tại Bệnh viện B Bắc Thái (nay là Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn), ông Cao Thịnh Cường - cán bộ Phòng Tổ chức cùng 2 nhân viên của Bệnh viện chuyển về Bệnh viện Điều dưỡng ở Thái Nguyên làm việc. Đồng thời Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Thái điều động và bổ nhiệm Bác sĩ Nguyễn Hạo - Bệnh viện Phó Bệnh viện A giữ chức vụ Bệnh viện Trưởng Bệnh viện Điều dưỡng. Như vậy, sau gần 7 năm kể từ ngày thành lập, Bệnh viện được đổi tên từ Viện An dưỡng thành Bệnh viện Điều dưỡng, 3 lần chuyển đổi địa điểm và đến lúc này Bệnh viện mới chính thức có Bệnh viện trưởng. Bệnh viện chuyển về Thái Nguyên và cũng là kết thúc giai đoạn làm việc trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh.
Năm 1975, hòa bình được lập lại, đất nước thống nhất hoàn toàn. Hòa chung niềm vui lớn của cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Thái phấn khởi, tự hào bước vào thời kỳ mới với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thành phố Thái Nguyên - trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá của tỉnh, Thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc cơ bản đã được xây dựng thành một Thành phố công nghiệp luyện kim và cơ khí chế tạo với Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên; nhiều cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, công trường, bệnh viện, trường học của Trung ương và địa phương.
Từ khi chuyển về Thái Nguyên, qui mô, đối tượng tiếp nhận điều dưỡng của Bệnh viện được mở rộng dần lên theo từng năm. Bệnh viện được bổ xung thêm biên chế, số giường bệnh và thành lập các phòng, khoa chuyên môn. Thời điểm này, Bệnh viện đã có 40 giường bệnh; biên chế 28 người làm việc tại các bộ phận: Tổ chức - Hành chính, Kế toán; Y vụ; Hậu cần - Dinh dưỡng và Khoa Nội tổng hợp. Về hoạt động chuyên môn, ngoài nhiệm vụ điều dưỡng nâng cao sức khỏe cho cán bộ trung, cao cấp và đặc biệt là thương binh hạng I, II từ trại thương binh tỉnh chuyển đến, Bệnh viện còn tiếp nhận điều dưỡng cho những bệnh nhân sau phẫu thuật, sau điều trị bệnh cấp tính suy giảm sức khỏe cần phải điều trị củng cố dài ngày từ các bệnh viện trong tỉnh chuyển đến.
Tháng 6 năm 1975, Bác sĩ Nguyễn Hạo được điều chuyển công tác sang Bệnh viện Gang thép, Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy được giao nhiệm vụ phụ trách Bệnh viện. Đầu năm 1977, Bác sĩ Vũ Ngọc Quỳ, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện A, được điều chuyển sang phụ trách Bệnh viện Điều dưỡng, thay Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy chuyển công tác về Bệnh viện Vân Đình - tỉnh Hà Tây. Đến tháng 4 năm 1978, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái có Quyết định bổ nhiệm Bác sĩ Vũ Ngọc Quỳ giữ chức vụ Bệnh viện Trưởng; Y sĩ Vũ Văn Luyện được bổ nhiệm vào chức vụ Bệnh viện Phó.
Trong cuộc chiến tranh chống xâm lược bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979, tỉnh Bắc Thái là hậu phương trực tiếp của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn… Bệnh viện được giao thêm nhiệm vụ phối hợp với Bệnh viện A tiếp nhận, điều trị, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nạn nhân chiến tranh… Thời gian này, lượng công việc đã tăng lên gấp nhiều lần, cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện đã phải làm tăng thêm giờ để đảm bảo thực hiện tốt nhất việc điều trị, chăm sóc, điều dưỡng cho bệnh nhân, góp phần thực hiện chính sách hậu phương quân đội của Đảng và Nhà nước.
Tháng 01 năm 1981 Bệnh viện được chuyển địa điểm ra trung tâm Thành phố Thái Nguyên, tiếp quản khu cơ quan của Ty Tài chính thuộc tổ 23, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên (nay là Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao Tỉnh). Địa điểm này có không gian rộng, thoáng mát do nằm ngay cạnh sông Cầu. Cơ sở vật chất cũng khang trang hơn, ngoài khu nhà tập thể dành cho cán bộ nhân viên còn có một dãy nhà bán kiên cố cột bê tông vì kèo thép được sử dụng làm khu Hành chính - Hậu cần - Dinh dưỡng và 5 dãy nhà cấp 4 mái ngói, trong đó: 3 dãy nhà dành cho khu điều trị; một dãy là bộ phận Dược và nhà kho; một dãy là nhà điều hành và hội trường, thư viện phục vụ sinh hoạt văn hóa cho người bệnh.
Năm 1984, Bác sỹ Vũ Văn Luyện - Phó giám đốc Bệnh viện được về nghỉ hưu theo chế độ, Bác sỹ Nguyễn Thị Kiều - Trưởng Khoa Nội được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Bệnh viện.
Năm 1987, Bác sỹ Vũ Ngọc Quỳ - Giám đốc bệnh viện được điều động sang giữ chức vụ Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế, Bác sỹ Nguyễn Thị Kiều - Phó giám đốc được giao Phụ trách Bệnh viện. Đến tháng 01 năm 1988, Ủy ban nhân dân tỉnh điều động Bác sỹ Vũ Tiến Thành - Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Y tế giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng.
Về hoạt động chuyên môn, từ năm 1981-1993, Bệnh viện đã được thành lập thêm Khoa Khám bệnh, Tổ Đông y thuộc Khoa Nội. Ngoài làm nhiệm vụ điều dưỡng cho thương, bệnh binh; an dưỡng cho cán bộ thuộc diện được hưởng chế độ, Bệnh viện còn được mở rộng tiếp nhận thêm các đối tượng an dưỡng là bệnh nhân suy giảm sức khỏe, giảm sút sức lao động do bệnh nghề nghiệp, cán bộ, viên chức - lao động từ các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất trong Tỉnh.
Sau khi chuyển địa điểm về Thái Nguyên (1973-1993), trong giai đoạn này, Bệnh viện thêm một lần chuyển địa điểm từ khu Vườn ươm của Ty Lâm nghiệp (cũ) thuộc xóm Ao Sen xã Thịnh Đán huyện Đồng Hỷ (nay là tổ 13 - phường Thịnh Đán - TP. Thái Nguyên) về Phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên. Bệnh viện đã từng bước được đầu tư thêm về con người, mở rộng qui mô, đối tượng điều dưỡng và thành lập thêm được các phòng, khoa chuyên môn đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh, điều dưỡng sức khỏe ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.
Giai đoạn 1994- 2016
Đến tháng 4 năm 1994, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái quyết định bàn giao khu vực nhà khách UBND Tỉnh cho Sở y tế Bắc Thái để chuyển Bệnh viện Điều dưỡng tiếp quản, quản lý và sử dụng.
Nhà khách Ủy ban nhân dân tỉnh (trước đây là Khu Giao tế Việt Bắc, xây dựng từ năm 1960) gồm 3 dãy nhà 2 tầng, 2 dãy nhà cấp IV, 1 nhà hội trường, 1 khu dinh dưỡng, được xây dựng trên diện tích hơn 8000m2 xung quanh có tường bao. Về hoạt động chuyên môn, ngoài làm nhiệm vụ điều dưỡng, an dưỡng, Bệnh viện đã đầu tư nhân lực và thiết bị phát triển Tổ Đông y, thuộc Khoa Nội thành Khoa Vật lý Trị liệu - Y học cổ truyền, tiếp nhận bệnh nhân điều trị bằng phương pháp vật lý, bước đầu chỉ mới triển khai được kỹ thuật Hồng ngoại kết hợp với châm cứu, xoa bóp và vận động trị liệu bằng tay chưa có máy móc trị liệu.
Ngày 01/01/1997 tỉnh Bắc Thái được chia tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn sau 31 năm hợp nhất (1965-1996). Đây cũng là giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thái Nguyên tuy vẫn là tỉnh nghèo, nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, nhưng chỉ sau 1 năm tái lập tỉnh, năm 1998, Thái Nguyên đã đạt được thành tích đáng kể, trong đó công tác chăm lo cho sức khỏe nhân dân được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm. 100% số xã trong Tỉnh có Trạm y tế, các Chương trình y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả.
Trong hệ thống các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Bệnh viện Điều dưỡng là bệnh viện duy nhất có chức năng, nhiệm vụ đặc thù riêng. Nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới, ngày 06/8/1998, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định số 1339/QĐ-UB giao bổ sung nhiệm vụ Phục hồi chức năng và đổi tên Bệnh viện Điều dưỡng thành Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, thuộc Sở Y tế, đồng thời xếp hạng Bệnh viện là Bệnh viện chuyên khoa hạng III tuyến tỉnh. Bệnh viện có 2 nhiệm vụ chính, đó là: Tổ chức điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho những đối tượng là cán bộ công nhân viên nhà nước đang tại chức hay đã nghỉ chế độ và tổ chức điều trị, phục hồi chức năng cho mọi đối tượng bệnh nhân trong Tỉnh.
Để tăng cường cán bộ quản lý cho Bệnh viện, tháng 8 năm 1998 Sở Y tế điều động và bổ nhiệm Bác sỹ Ma Thị Lạc - cán bộ chuyên trách Công đoàn ngành làm Phó giám đốc. Trước đó, tháng 12 năm 1997, Bác sỹ Vũ Tiến Thành về nghỉ hưu theo chế độ, Bác sỹ Nguyễn Thị Kiều - Phó giám đốc được giao Phụ trách Bệnh viện từ tháng 01 năm 1998. Tháng 9 năm 1998, Ủy ban nhân dân Tỉnh Thái Nguyên điều động và bổ nhiệm Bác sỹ Lý Quốc Toàn - Phó giám đốc Bệnh viện C làm Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng. Năm 2000, Bác sỹ Nguyễn Thị Kiều - Phó giám đốc về nghỉ hưu theo chế độ. Như vậy, đến thời điểm năm 2000, bộ máy cán bộ lãnh đạo của Bệnh viện gồm có: Giám đốc là bác sĩ Lý Quốc Toàn; Phó Giám đốc là bác sĩ Ma Thị Lạc.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, ngày 20 tháng 6 năm 2003, Sở Y tế Thái Nguyên Ban hành Quyết định số 510/QĐ-SYT về việc tổ chức lại bộ máy của Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng, như sau:
Ban giám đốc; Các phòng chức năng, gồm: Phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến, Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị, Phòng Tài chính - Kế toán; Các khoa chuyên môn, gồm: Khoa Khám bệnh - Cấp cứu - Cận lâm sàng, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Khoa Bệnh người cao tuổi, Khoa Dược - Trang thiết bị; Khoa Dinh dưỡng.
Từ khi được xếp hạng và thành lập các phòng chức năng, các khoa chuyên môn, số biên chế viên chức chuyên môn và chuyên khoa được tuyển dụng tăng dần theo từng năm lên hơn 60 người; số lượng giường bệnh cũng được nâng dần lên từ 40 lên 80 giường.
Năm 2009, Bệnh viện được UBND Tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng công trình Trung tâm vật lý trị liệu (5 tầng). Đến năm 2013, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó một đơn nguyên phục vụ hoạt động chuyên môn và một đơn nguyên là khối văn phòng.
Về phạm vi hoạt động chuyên môn: Từ năm 2000, sau khi thành lập Trung tâm Điều dưỡng Người có công thuộc Sở Lao động - TBXH quản lý tại Hồ Núi cốc, số lượng người có công và thương binh đi an dưỡng - điều dưỡng tại Bệnh viện giảm dần do thay đổi chức năng, nhiệm vụ. Năm 2004, Bệnh viện đã ký hợp đồng với BHYT, tiếp nhận điều trị và PHCN cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế, kể cả những bệnh nhân không tham gia BHYT có nhu cầu điều trị phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não, sau phẫu thuật, sau chấn thương; PHCN các bệnh về cơ, xương, khớp, thần kinh, tim mạch và hô hấp; PHCN sau di chứng bỏng và di chứng do chiến tranh… với số lượng bệnh nhân tăng dần hàng năm. Từ thực tiễn hoạt động chuyên môn, Bệnh viện đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị phục vụ chẩn đoán và điều trị.
Về đội ngũ cán bộ: Ngay từ khi được bổ sung chức năng nhiệm vụ, Bệnh viện đã chú trọng tuyển dụng cán bộ chuyên khoa được đào tạo chính quy, đồng thời đào tạo bổ túc chuyên khoa cho đội ngũ cán bộ chuyên môn qua các lớp ngắn hạn tại Trường Đại học Y tế Hải Dương, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Học viện Quân y và Bệnh viện 103, Bệnh viện TW Thái Nguyên. Ngoài việc đào tạo cấp tốc phục vụ trước mắt, bệnh viện còn quan tâm đào tạo các hệ, các cấp (đào tạo dài hạn, đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại chỗ). Đến nay Bệnh viện đã có 14 Bác sỹ, Thạc sỹ các chuyên khoa (trong đó 02 chuyên khoa cấp II, 03 Thạc sỹ, 05 chuyên khoa cấp I), có 39 điều dưỡng, Kỹ thuật viên, (trong đó 01 cán bộ có trình độ sau đại học, 07 cử nhân điều dưỡng, Kỹ thuật viên, 31 điều dưỡng viên, KTV trung học); 02 Dược sỹ CKI, 03 Dược sỹ trung học và 06 cán bộ đại học khác (gồm các kỹ sư và cử nhân).
Ngoài chuyên ngành chính là Phục hồi chức năng, Bệnh viện cũng chú trọng tuyển dụng và đào tạo cán bộ chuyên môn các chuyên khoa khác như: Tim mạch và Lão khoa, Nhi khoa, Ngoại khoa, Phụ khoa, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Mắt, phục vụ mục tiêu phát triển thành Bệnh viện Phục hồi chức năng đa khoa, ngang tầm nhiệm vụ của một trung tâm y tế vùng Việt Bắc.
Từ việc chỉ điều trị bệnh bằng phương pháp điều trị nội khoa đơn thuần, đến nay bệnh viện đã áp dụng triển khai được trên 80% kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ y tế như: Kỹ thuật Điện trị liệu (Điện xung, điện phân, siêu âm, sóng ngắn, sóng xung kích, điện trường cao áp); Kỹ thuật Nhiệt trị liệu (Nhiệt nóng, nhiệt lạnh); Kỹ thuật Ánh sáng trị liệu (Hồng ngoại, tử ngoại, laser); Kỹ thuật Xoa bóp trị liệu; Kỹ thuật Vận động trị liệu (vận động thụ động, vận động chủ động, vận động có trợ giúp…); Kỹ thuật Kéo nắn trị liệu (Kéo giãn, kéo nắn cột sống và các khớp…); Kỹ thuật thủy châm, điện châm và châm cứu. Đặc biệt năm 2016, Bệnh viện đã triển khai nhóm kỹ thuật Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu và Tâm lý trị liệu cho nhóm bệnh trẻ tự kỷ và nhóm bệnh nhân tai biến mạch máu não có thay đổi về tâm lý, có khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày; ngoài các kỹ thuật điều trị về VLTL-PHCN, Bệnh viện còn triển khai các kỹ thuật về nội khoa như: Tiêm ngoài màng cứng, tiêm nội khớp, tiêm các điểm bám gân…tác dụng giảm đau nhanh, góp phần rút ngắn thời gian điều trị tại bệnh viện cho người bệnh.
Các trang thiết bị về Vật lý trị liệu - PHCN: Ban đầu chỉ có một vài đèn Hồng ngoại; hiện nay bệnh viện đã tăng cường đầu tư thiết bị điều trị PHCN như: máy Laser thẩm mỹ - Laser nội mạch - Laser chiếu ngoài, máy Siêu âm điều trị, máy điện xung, điện phân, máy sóng ngắn, sóng xung kích, máy kéo giãn cột sống, máy điện trường cao áp, các loại máy Xoa bóp, giàn luyện tập đa năng… Ngoài ra, Bệnh viện còn được trang bị máy xét nghiệm huyết học 18 thông số, máy xét nghiệm sinh hóa, máy xét nghiệm nước tiểu, máy Xquang, máy siêu âm, điện tim, lưu huyết não…. Đặc biệt năm 2016, bệnh viện đã trang bị 02 máy châm cứu không kim, giảm đau rất hiệu quả cho người bệnh.
Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến: Theo Quy chế Bệnh viện và chỉ đạo của Sở Y tế Thái Nguyên, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCD) từ năm 1998 và duy trì thường xuyên hàng năm. Đến nay bệnh viện đã triển khai chương trình đến 9/9 huyện, thành trong Tỉnh. Mỗi năm, Bệnh viện chuyển giao 05 kỹ thuật về PHCN cho mỗi tuyến cơ sở theo kế hoạch. Đặc biệt Bệnh viện còn tham gia công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân tại một số địa phương trên địa bàn giáp gianh với Bệnh viện như: Xã Huống Thượng, xã Linh Sơn, xã Nam Hòa (Huyện Đồng Hỷ); Phường Túc Duyên, phường Hoàng Văn Thụ ... (Thành phố Thái Nguyên). Ngoài ra, Bệnh viện còn tổ chức khám bệnh miễn phí cho nhân dân tại một số địa phương theo sự phân công của Sở y tế tại các xã: Úc Kỳ, Nga My, Hà Châu (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên)...
Ngày 12 tháng 11 năm 2014, UBND Tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2585/QĐ-UB về việc đổi tên Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên thành Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên. Bệnh viện có nhiệm vụ khám bệnh và chữa bệnh phục hồi chức năng và tổ chức an dưỡng cho các đối tượng có nhu cầu. Cũng trong năm 2014, Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng Bệnh viện.
Tháng 4/2015, Bệnh viện tiến hành khởi công xây dựng Hạng mục I (Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện) là tòa nhà 3 tầng - công trình Khoa Dinh dưỡng và Kiểm soát nhiễm khuẩn. Đồng thời Bệnh viện đã được UBND Tỉnh cấp thêm phần đất xin mở rộng 1325m2 thuộc khu dân cư số 6 Phường Túc Duyên để tiếp tục xây dựng các công trình phục vụ hoạt động chuyên môn của Bệnh viện. Hiện nay Bệnh viện đang chuẩn bị các thủ tục tiếp tục xây dựng Hạng mục II (giai đoạn 2016 - 2020) là tòa nhà 6 tầng dành cho Khu điều trị trung tâm.
Đối với công tác đào tạo cán bộ: Trong những năm qua, Bệnh viện đã quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ công nhân viên được tham gia học các lớp về lý luận chính trị và quản lý Nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ tham mưu. Hiện nay toàn Bệnh viện có 01 đồng chí có trình độ Cao cấp lý luận chính trị, 12 cán bộ có trình độ Trung cấp, 8 cán bộ đã được đào tạo kiến thức Quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư số: 22/2013/TT-BYT ngày 09/8/2013 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế”, mỗi năm tổ chức từ 2 - 3 lớp đào tạo và còn tổ chức 2 năm/lần nội dung thi Y tá - Điều dưỡng viên giỏi, thanh lịch. Tính từ năm 2011 - 2016, Bệnh viện đã tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho 371 lượt CBCNVC. Bệnh viện còn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện trên cơ sở phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, về công tác giảng dạy và hướng dẫn thực hành các kỹ thuật Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng tại Bệnh viện.Tính riêng từ cuối năm 2010 đến 2015 có tổng số 5949 lượt học sinh Cao đẳng và Trung học đến thực tập.
Về đội ngũ cán bộ lãnh đạo Bệnh viện giai đoạn từ 2003 đến nay có nhiều biến động, do đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ hoặc điều chuyển công tác. Tháng 8 năm 2003, Bác sĩ Ma Thị Lạc - Phó giám đốc về nghỉ hưu theo chế độ. Tháng 9 năm 2003, Sở Y tế điều động và bổ nhiệm Bác sỹ Ma Thị Kim Liên - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền làm Phó giám đốc. Tháng 10/2003, Bác sỹ Nguyễn Trọng Khôi, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Bình được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Bệnh viện. Tháng 9 năm 2005 Bác sỹ Ma Thị Kim Liên được điều chuyển công tác sang Tỉnh hội Đông y. Tháng 01/2007, Bác sỹ Lý Quốc Toàn được điều chuyển làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, Bác sỹ Triệu Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Da liễu Chống phong tỉnh Thái Nguyên được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên. Tháng 01/2010, Bác sỹ Trần Thị Vui - Trưởng khoa Vật lý trị liệu - PHCN được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc. Tháng 3/2012, Bác sỹ Nguyễn Trọng Khôi - Phó giám đốc bệnh viện về nghỉ hưu theo chế độ, tháng 5/2012, Bác sỹ La Đức Duyên - Phó giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Bệnh viện. Đến tháng 9/2012, Bác sỹ Triệu Văn Hồng về nghỉ hưu theo chế độ, Bác sỹ Lê Xuân Thuỷ - Phó giám đốc Bệnh viện C được điều động về giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (đến nay).
Trải qua, 50 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện đã trải qua 5 lần chuyển đổi địa điểm, 4 lần đổi tên. Từ 5 cán bộ của ngày đầu thành lập, đến nay Bệnh viện đã trở thành bệnh viện chuyên khoa Phục hồi chức năng hạng III tuyến tỉnh với 78 cán bộ viên chức - lao động. Qui mô giường bệnh từ 20 giường đã tăng lên 90 giường bệnh. Hàng năm, bệnh viện đều đạt và vượt chỉ tiêu các kế hoạch được giao. Mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận và phục hồi chức năng cho hàng nghìn lượt người bệnh. Ngoài ra, Bệnh viện còn tham gia chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện cho người tàn tật tại cộng đồng có cơ hội được tiếp cận các kỹ thuật PHCN, giúp họ sớm được hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng sống cho người tàn tật.
Ghi nhận những đóng góp, cống hiến của tập thể cán bộ công nhân viên của Bệnh viện, trong những năm qua, Bệnh viện đã được Bộ Y tế, UBND tỉnh Thái Nguyên tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua. Cá nhân các đồng chí:
Lý Quốc Toàn - Bí thư Chi bộ, Giám đốc bệnh viện được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” năm 2003; đồng chí Lê Xuân Thuỷ - Bí thư Chi bộ, Giám đốc bệnh viện được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” năm 2013.

Căn cứ Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam về nguyên tắc, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Đảng, trước yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của công tác Đảng, để phù hợp với quy mô và sự phát triển của Bệnh viện trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tiếp theo; Cấp ủy Chi bộ Bệnh viện đã xây dựng Đề án trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét quyết định nâng cấp Chi bộ cơ sở Bệnh viện Phục hồi chức năng thành Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ thành phố Thái Nguyên (Quyết định số 253-QĐ/TU ngày 03/10/2016, theo quyết định Đảng bộ Bệnh viện có 4 chi bộ và 44 đảng viên, BCH Đảng bộ có 7 đ/c, đồng chí Lê Xuân Thủy - Giám đốc được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, đ/c Trần Thị Vui - Phó giám đốc, được chỉ định làm Phó bí thư Đảng ủy.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, tập thể các y, bác sĩ, công nhân viên lao động của Bệnh viện đều nỗ lực hết mình, đoàn kết vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao “lương y như từ mẫu”. Phát huy truyền thống lịch sử đó, thế hệ cán bộ công nhân viên của Bệnh viện hôm nay và mai sau luôn tâm niệm: dù trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu vẫn quyết tâm, nỗ lực vươn lên bằng tâm sức, trí tuệ của mình phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách của Đảng, Nhà nước và các mục tiêu kinh tế xã hội địa phương./.