MANG TRUNG THU YÊU THƯƠNG ĐẾN VỚI TRẺ TỰ KỶ, CHẬM PHÁT TRIỂN TẠI BỆNH VIỆN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TỈNH THÁI NGUYÊN.

Chỉnh sửa lần cuối :09/09/2022

      Tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ hiện không còn là cụm từ quá mới lạ với nhiều người trong xã hội; đây cũng không phải một căn bệnh “kỳ quái” hay do giáo dục tạo nên. Tự kỷ bản chất là một dạng rối loạn phát triển về nhiều mặt song chủ yếu là rối loạn về kỹ năng quan hệ xã hội, giao tiếp bằng lời nói và hành vi bất thường.

       Rối loạn phổ tự kỷ có thể bắt đầu ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, nhưng cũng không ít trường hợp phát triển bình thường cho đến năm 3-4 tuổi mới hình thành các triệu chứng. Các dấu hiệu dễ nhận biết ở trẻ mắc chứng tự kỷ là giảm tương tác xã hội; giảm giao tiếp và có những hành vi bất thường như: thực hiện các hành động rập khuôn, cuốn hút quá mức với tivi, quảng cáo…đi kiễng gót, chạy vòng quanh… Khi thấy con có các dấu hiệu trên, phụ huynh nên cho con đi khám để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

      Trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ là những bệnh nhi thiệt thòi trong cuộc sống, không có được nhận thức, trí tuệ bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Hành trình can thiệp cho trẻ tự kỷ đầy vất vả, gian nan, và không xác định được điểm dừng.  Bởi vậy, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần chung tay giúp đỡ, thấu hiểu, sẻ chia, để có thể đem đến cho các em và gia đình niềm tin, hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn..

     Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên là nơi điều trị PHCN cho các bệnh nhân có nhu cầu PHCN, trong số đó có một số bệnh nhi mắc các bệnh về rối loạn hành vi, trí tuệ, tự kỷ và các dạng khuyết tật trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Hàng ngày, bệnh viện điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân nhi vừa học can thiệp, vừa điều trị phục hồi chức năng phổ tự kỷ (cả nội trú và ngoại trú); Nhiều cháu nhỏ mắc bệnh bẩm sinh, nên gần như toàn bộ thời gian tiền mầm non và mầm non gắn liền với nơi đây.

        

      Những ngày đầu tháng tám âm lịch, ở Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên mỗi bé đến điều trị với những rối loạn khác nhau nhưng đều cùng chung niềm vui háo hức hòa mình vào không khí nhộn nhịp của ngày tết Trung thu. Hoạt động can thiệp không dùng thuốc là một liệu pháp điều trị đặc biệt dành cho các bé có các rối loạn trong quá trình phát triển tâm thần, tâm lý. Hiện tại các hoạt động can thiệp vẫn đang diễn ra đồng bộ các nhóm: tiền học đường, tự kỉ chậm nói và chậm phát triển.

        Năm nay, hoạt động cho các bệnh nhi can thiệp cũng giống như mọi năm nhưng được tổ chức chỉn chu và sinh động hơn nhờ sự tận tụy chuẩn bị của các cô và trò phòng Ngôn ngữ trị liệu, Khoa Vật lý trị liệu. Bên cạnh đó, phòng cũng tổ chức thêm hoạt động trang trí, vẽ tranh để đảm bảo cho các bé chậm phát triển và tự kỷ được tham gia vui chơi, hòa nhập cùng các bạn. Được tham gia những hoạt động nhỏ ở phòng học, các bé có thêm niềm vui, được tự tay làm ra sản phẩm cùng những món quà tinh thần nho nhỏ khích lệ tinh thần cho các em. Mong rằng các bé đến điều trị ở Bệnh viện vừa được can thiệp Phục hồi chức năng vừa được can thiệp giáo dục đặc biệt, các em sẽ sớm có sự thay đổi thích nghi hòa nhập tốt với môi trường và xã hội.

 

      Những ngày này, Thiếu nhi ở khắp mọi miền Tổ quốc đang rất vui mừng, phấn khởi để được xem múa lân, rước đèn. Chắc chắn rằng, các em thiếu nhi ở đây cũng đang rất khát khao được vui tết Trung thu, được phá cỗ trông trăng với Chị Hằng, chú Cuội. Thấu hiểu những thiệt thòi đó, Bệnh viện Phục hồi chức năng đã tổ chức gặp mặt, trao quà, thăm hỏi và động viên các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện nhân dịp Trung thu. Đây là hoạt động ý nghĩa, với mong muốn góp phần chia sẻ và mang đến cho các em nhỏ ở đây một Trung thu vui nhộn về mặt tinh thần, củng cố sự lạc quan, kiên trì và nỗ lực điều trị cùng những phần quà thiết thực như bánh trung thu, đèn lồng, bánh kẹo…được trao tặng đến tận tay các em.

       Sự quan tâm của Ban lãnh đạo bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên đã truyền động lực, niềm tin và sự lạc quan cho người làm cha, làm mẹ và các gia đình có con đang điều trị tại bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Nguyên, đồng thời phát huy điểm mạnh để cha mẹ có thể chắp cánh ước mơ để các em cảm nhận trọn vẹn tình yêu thương của cộng đồng, giúp các em tự tin vươn lên, sớm hòa nhập trong cuộc sống.

Vũ Huyền – Bệnh viện PHCN TN